“
17. Nhà văn Tiệp Khắc nổi tiếng Milan Kundera viết rằng khoảnh khắc quan trọng trong sự phát triển của một thiếu niên là khi nó đòi một ngăn kéo có khóa cho những ghi chép thầm kín của nó.142 Đó là khoảnh khắc nó biết xấu hổ khi người khác xâm phạm sự riêng tư của mình. Để phát triển sự tự chủ và bản sắc cá nhân, mỗi người cần những giây phút được bảo vệ trước con mắt bên ngoài, ở “hậu trường”, chỉ một mình với mình. Một gia đình không cho các thành viên của nó sự riêng tư là một gia đinh bóp nghẹt con người. Một xã hội không tôn trọng quyền riêng tư của các thành viên là một xã hội làm nghẹt thở. Đó chính là lý do quyền riêng tư của tù nhân, mặc dù có bị hạn chế (ví dụ bí mật thư tín), không thể bị tước đi hoàn toàn.
18. Bạn không nhất thiết phải đồng tình hay ủng hộ người khác, thậm chí không phải gần gũi hay yêu quý anh ta, nhưng bạn hãy đối xử với anh ta theo cách mà bạn muốn anh ta đối xử với bà ngoại của bạn.
19. Tin vào sự tử tế thì sẽ nhận được sự tử tế. Ta tử tế thì người khác tử tế theo. Ta tin người khác thì họ sẽ tin lại. “Nghĩ tốt về người khác là một việc nên làm, và là một cách giữ được sự trong trắng lành mạnh trong cuộc sống của ta.” P. M. Forni, giáo sư của Đại học Johns Hopkins và người sáng lập Dự án Tử tế ở trường, viết trong cuốn Chọn sự tử tế: 25 quy ước của hành xử ân cần. “Khi chúng ta mặc định người khác là tốt, chân thật và nhạy cảm, chúng ta-khuyến khích họ trở nên như vậy.”
20. Theo Stephen Carter, giáo sư luật của Đại học Yale, Mỹ, người viết nhiều về tôn giáo và luân lý, thì “tử tế là tổng của tất cả các hành vi hy sinh mà ta làm để cuộc sống chung với người khác dễ chịu hơn.” Cách nhìn này cũng giải thích vì sao lại khó khăn để tử tế. Với cá nhân, tử tế không đem lại lợi lộc gì trước mắt, ngoài cho lương tâm của anh ta. Theo ngôn ngữ kinh tế, nó là một khoản đầu tư vào tương lai, với hy vọng rằng người đầu tư sẽ nhận lại được sự tử tế từ người khác, và sự tử tế qua lại này sẽ khiến cho cuộc sống chung trở nên dễ thở hơn. Điều này đòi hỏi sự kiên nhẫn và niềm tin. “Cả nước muốn sự tử tế. Nó không tốn kém gì. Không cần tài trợ từ nhà nước, không cần pháp chế vào cuộc. Nhưng sao chúng ta không có nó?” Nhà báo Judith Martin bình luận. “Câu trả lời là do chúng ta không muốn kiềm chế bản thân. Ai cũng muốn người khác lịch sự với mình, nhưng lại muốn được tự do bất lịch sự với người khác.”
21. Nó không chỉ là lịch sự, nhã nhặn (như khi ông Obama cầm ô cho nữ nhân viên lúc trời mưa.) Nó không chỉ là ứng xử có văn hóa, xếp hàng khi làm thủ tục ở sân bay, hay kiên nhẫn đợi đèn đỏ đếm ngược hẳn về số không (những dẫn chứng ưa thích khi người ta nói về người Việt xấu xí). Ở một ngữ cảnh rộng, nó là hành xử có trách nhiệm công dân. Trong một khía cạnh cụ thể, nó là khả năng vẫn tôn trọng người khác mặc dù bất đồng ý kiến.
”
”