“
12. “Tôi nói chuyện với người nào cũng theo cách như nhau, bất kể anh ta là người quét rác hay chủ tịch trường đại học.” - Albert Einstein “Ở những điểm sâu sắc nhất, các tôn giáo nhấn mạnh rằng sâu thẳm ở bên trong, mỗi con người là siêu việt và nằm ngoài tầm nắm bắt của chúng ta.”-Karen Amstrong
13. Tuy nhiên, tha thứ thành công không có nghĩa là quan hệ của người bị hại và kẻ gây hại nhất thiết phải trở lại như trước khi cái sai xảy ra. Để phục hồi lại quan hệ và niềm tin, cần thêm một bước nữa. Đó là hòa giải. Nếu như tha thứ là buông bỏ ý muốn trả thù và sự cay đắng, và thậm chí còn có thể phát triển những cảm xúc tích cực về người gây hại, thấu cảm với những đau đớn và u mê của họ, mong muốn họ được cải hóa và gặp những điều tốt lành, thì hòa giải đi xa thêm nữa. Hòa giải hàn gắn, phục hồi lại quan hệ giữa hai người. Tha thứ thay đổi thái độ của ta với kẻ gây hại. Hòa giải khôi phục lại quan hệ của ta với họ. Tha thứ có thể không đi kèm với hòa giải. Một người vợ có thể tha thứ cho người chồng bạo lực, hiểu vì sao anh ta hành xử vậy, thậm chí giúp đỡ khi anh ta gặp khó khăn, nhưng nếu anh ta không cải thiện được các hành vi của mình, thì hòa giải và tiếp tục quan hệ hôn nhân là một điều nguy hiểm. Trong trường hợp đó, người vợ nên từ chối tiếp tục là nạn nhân. Cô nên xây dựng cuộc sống riêng của mình mà không có người chồng, mặc dù không mang theo sự oán trách và giận dữ, bởi cô đã tha thứ. Ngược lại, một người nhẫn nhục tự nguyện chịu đựng cái sai trái của người khác không phải là người có trái tim tha thứ, mà là một người không phân biệt được đúng sai.
14. Tha thứ có bản chất chủ động. Nó dùng ý chí để thay đổi con tim, nỗ lực thay thế những ý nghĩ tiêu cực bởi những ý nghĩ tích cực, thay thế giận dữ và căm ghét bởi thiện chí và sự thanh thản. Có lẽ chính vì thế mà người ta hay nói trả thù là dành cho kẻ yếu đuối, chỉ người mạnh mẽ mới có thể tha thứ. Mặt khác, tha thứ bồi đắp cho sự tự tin và lòng tự trọng của người bị tổn thương. Khi anh ta tha thứ, anh ta chứng minh được là hành vi gây hại đã không thể hủy hoại con người anh. Anh vượt qua được tổn thất. Một số nhà tâm lý học cho rằng tha thứ chỉ trọn vẹn khi nó không chỉ là vượt qua được giận dữ và căm ghét hướng tới người gây hại (và quên đi hay phớt lờ anh ta đi), mà còn phải phát triển được một thái độ tích cực đối với con người này. Những người khác lại cho rằng như thế là đòi hỏi quá nhiều từ người tha thứ. Nhưng có một điều họ thống nhất: tha thứ không chỉ tốt cho người tha thứ, mà còn cho tất cả những người xung quanh. Một người phụ nữ ngừng giận dữ và tha thứ cho người bố đã xâm hại mình trong quá khứ không những chữa lành tâm lý cho bản thân, mà còn đem lại bình yên cho chồng, con và những người khác trong cuộc sống của chị.
15. “Tôi không có quyền phán xét cuộc đời của một người khác. Tôi phải phán xét, phải chọn, phải từ chối, chỉ cho riêng mình tôi. Cho riêng bản thân tôi” - Hermann Hesse “Vết thương bắt đầu lành khi người ta cảm thấy họ được lắng nghe.” - Cheryl Richardson
16. Nhà văn Tiệp Khắc nổi tiếng Milan Kundera viết rằng khoảnh khắc quan trọng trong sự phát triển của một thiếu niên là khi nó đòi một ngăn kéo có khóa cho những ghi chép thầm kín của nó.142 Đó là khoảnh khắc nó biết xấu hổ khi người khác xâm phạm sự riêng tư của mình. Để phát triển sự tự chủ và bản sắc cá nhân, mỗi người cần những giây phút được bảo vệ trước con mắt bên ngoài, ở “hậu trường”, chỉ một mình với mình. Một gia đình không cho các thành viên của nó sự riêng tư là một gia đinh bóp nghẹt con người. Một xã hội không tôn trọng quyền riêng tư của các thành viên là một xã hội làm nghẹt thở. Đó chính là lý do quyền riêng tư của tù nhân, mặc dù có bị hạn chế (ví dụ bí mật thư tín), không thể bị tước đi hoàn toàn.
”
”